Việc sử dụng gel hay cồn rửa tay khô sao cho đúng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ người sang người không phải ai cũng biết. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, cùng với khẩu trang, gel hay cồn rửa tay khô đang dần trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu đối với nhiều người. Tuy nhiên, sử dụng sao cho đúng để hạn chế nguy cơ lây truyền virus từ người sang người hay ra môi trường thì không phải ai cũng biết.
Để sử dụng gel hay dung dịch rửa tay khô một cách hiệu quả, thì bạn phải chú ý chà xát hai bàn tay với lực đủ mạnh để dung dịch trải đều ra khắp bàn tay và động tác này phải kéo dài từ 20 đến 30 giây, cho đến khi tay khô. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng dung dịch sử dụng phải đủ cho cả bàn tay và cổ tay. Nếu khó ước lượng, thì bạn hãy nhớ rằng thà nhiều hơn một chút còn hơn là không đủ.
Một điều quan trọng nữa là bạn phải đảm bảo dung dịch cồn hoặc gel rửa tay phải đạt tiêu chuẩn về hiệu quả chống virus, cũng như nồng độ cồn phải đạt ít nhất từ 60%.
Chỉ một giọt trong lòng bàn tay là không đủ để loại bỏ các rủi ro. Việc rửa tay không nên được thực hiện qua loa và phải thực hiện cẩn thận theo các bước sau:
– Làm ướt hai lòng bàn tay dưới vòi nước. Cho xà phòng vào lòng bàn tay và xoa đều.
– Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
– Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay và các kẽ ngón, móng tay trong vòng ít nhất 20 giây.
– Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
– Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
– Bạn hãy chú ý tới các móng tay của mình nhé, vì rất nhiều vi khuẩn có thể đang làm tổ ở đó. Đây cũng là lý do các chuyên gia khuyên bạn nên cắt móng tay thường xuyên.
Bạn hãy nhớ rằng việc sử dụng gel hay cồn rửa tay khô thôi là không đủ và không nên thay thế hoàn toàn cho việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Các chuyên gia vệ sinh dịch tễ khuyến cáo, những sản phẩm này chỉ được nên sử dụng trong trường hợp bạn không thuận tiện để rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Lý do là gel hay cồn rửa tay khô dù có đặc tính diệt khuẩn, diệt virus và diệt nấm, những không giống như rửa bằng xà phòng và nước sạch, chúng không làm sạch tay.
Gel hay cồn rửa tay khô chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi được sử dụng trên làn da khô ráo. Đúng như tên gọi của mình, gel hay cồn rửa tay khô chứa cồn, vì thế hiệu quả sẽ kém hơn khi được sử dụng trên tay ẩm ướt.
Ngoài ra, khi tay ẩm ướt, những sản phẩm này có thể dẫn tới phản ứng tỏa nhiệt và gây kích ứng da.
Điều này có thể gây ngạc nhiên, nhưng gel hay cồn rửa tay khô đều có thời hạn sử dụng và được ghi rõ trên nhãn chai. Sau khi mở nắp, sản phẩm đã không còn là vô trùng nữa. Nhìn chung, gel hay cồn rửa tay khô có thể lưu trữ trong khoảng từ 1 đến 3 tháng sau lần sử dụng đầu tiên. Nếu bạn sử dụng vượt quá thời hạn này, thì sản phẩm không còn hiệu quả nữa.
Các bác sĩ da liễu thường xuyên cảnh báo, gel hay cồn rửa tay khô và ánh nắng mặt trời không thể là những người bạn đồng hành, nhất là khi mùa hè đến. Do nồng độ cồn cao, những sản phẩm này thường gây khô da và làn da sẽ càng trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời, thậm chí là bị bỏng.
Ngoài ra, các sản phẩm có chứa nước hoa hoặc tinh dầu có thể gây tăng sắc tố (xuất hiện các đốm đen) sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì thế, khi ra biển, tốt nhất là bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Gel hay cồn rửa tay khô không tốt cho mắt. Một khi bị dính lên mắt, chúng có thể gây đau, đỏ, thậm chí là mất thị lực. Vì thế hãy cẩn thận không để tay lên mắt hay dụi mắt sau khi rửa tay bằng gel hay cồn rửa tay khô. Nhiều nước châu Âu mới đây đã cảnh báo các trường hợp tổn thương mắt ở trẻ em do cồn rửa tay khô. Hãy nhớ rằng, với cồn 20%, sẽ chỉ mất 30 giây để lớp biểu bì của giác mạc bong ra, trong khi gel hay cồn rửa tay khô chứa tới 60% đến 80% cồn. Trong trường hợp bị dung dịch bắn vào mắt, bạn nên ngay lập tức rửa mắt bằng nước sạch và nước muối sinh lý trong ít nhất nửa giờ. Hãy đến gặp bác sĩ nếu thấy mắt đau hay mất thị lực.
Nguồn: Sưu tầm
Xem thêm các bài viết khác tại đây
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể hơn